Hotline

Tư vấn, đặt hàng 24/24

0906 226 211
Trang chủTin tứcHướng đi nào cho mây tre đan Việt Nam?

Hướng đi nào cho mây tre đan Việt Nam?

21 / 11 / 2017 Nội Thất Tre Trúc

Nhờ có mạng lưới mây Việt Nam, các thành viên cũng có cơ hội liên kết, nghiên cứu, tham quan và học hỏi các mô hình mây trên thế giới, các cơ hội về xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, được hỗ trợ tài chính, thiết bị trong sản xuất … để phát triển và chế biến nguồn nguyên liệu mây tại địa phương.
Hy vọng rằng, cùng với việc nhận thức đúng đắn về thực trạng, vị trí của ngành mây tre đan nước ta trên trường quốc tế, với những động thái tích cực của cả Nhà nước, Doanh Nghiệp và người nông dân, trong thời gian tới, ngành sản xuất mây tre đan xuất khẩu của Việt Nam sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Bình, giỏ mây tre đan
Bình, giỏ mây tre đan

Để phát triển ngành nghề mây tre đan về lâu dài cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng trong chuỗi giá trị ngành. Trong đó vai trò của cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân đều vô cùng quan trọng. Đây cũng là lý do để Mạng lưới mây Việt Nam ra đời mới đây tại Hà Nội.

Công Thương – Thực trạng đáng lo

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về trữ lượng nguồn tài nguyên mây, nhưng từ lâu ở nước ta đã ghi nhận được 6 chi với 30 loài song, mây trong tự nhiên phân bố rải rác ở nhiều nơi, chủ yếu tập trung nhiều ở 3 vùng: Tây Bắc; Bắc Trung bộ và Khu 4 cũ; miền Trung và nam Trung bộ.

Trong nhiều thập kỷ qua, do tình hình khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô một cách thiếu kiểm soát và quản lý nên nguồn nguyên liệu song mây tự nhiên của Việt Nam dần bị cạn kiệt. Tại nhiều vùng nguyên liệu mây truyền thống như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái… nhiều loài mây tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trước thực trạng đó, để giữ được nguồn nguyện liệu cho sản xuất, chúng ta đã bắt đầu quan tâm đến công tác khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới cây mây bằng nhiều hình thức thâm canh, xen canh hay mô hình nông – lâm kết hợp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước đã trở nên ngày càng trầm trọng, nhiều đơn vị đã phải sử dụng nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài.

Khắc phục được tình hình sản xuất nguyên liệu nói trên, hiện nay, cả nước có tới 2.017 làng nghề với nhiều loại hình sản xuất như hộ gia đình, tổ sản xuất, tổ hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, trong đó làng nghề đan tre, trúc, song, mây (gọi chung là mây, tre đan) có số lượng lớn nhất với 713 đơn vị, chiếm 24% tổng số làng nghề.

Mặc dù các làng nghề này thu hút một lực lượng lao động đông đảo, khoảng 350 ngàn người và sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã được xuất khẩu tới trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 200 triệu USD trong mấy năm gần đây (năm 2007 đạt 219 triệu USD; năm 2008 đạt trên 250 triệu USD). Song, nếu xét về tỉ trọng trong tổng số doanh nghiệp cả nước thì ngành này còn quá nhỏ bé so với các ngành như xây dựng, thương mại… Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này mới chỉ ở qui mô nhỏ. Trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng qui mô sản xuất. Do vậy, đa số đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu khiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng đáng kể. Hơn nữa do thiếu sự phối hợp đồng bộ của các ngành khoa học kỹ thuật, văn hóa nên sản phẩm thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Tìm đường “thoát hiểm”

Việc thiếu nguyên liệu, đặc biệt đối với ngành mây, tre đan đã được báo động từ rất lâu, nhưng tới nay vẫn chưa có một chương trình hay kế hoạch nào khả quan để giải quyết khó khăn đó. Mặc dù một số tỉnh cũng đã hướng dẫn và cấp cây giống cho nông dân tuy nhiên cũng chỉ đạt được thành công trong việc trồng mây làm hàng rào chứ chưa tạo được nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khi đề cập đến vấn đề sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước. Một số doanh nghiệp đã xây dựng dự án trồng mây trên diện rộng song tới nay đều tắc về vốn và gần như không nhận được bất kỳ sự ủng hộ hay quan tâm nào của các ngành chức năng.

Không phủ nhận rằng, đã xuất hiện nhiều mô hình trồng thử nghiệm cây mây, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, hoặc có hình thành vùng sản xuất nhưng ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, các làng nghề, doanh nghiệp mây tre còn gặp phải nhiều khó khăn khác, nhất là vốn. Khi các doanh nghiệp có hợp đồng chỉ được ứng 1 phần tiền nhưng họ lại phải trả công khá cao cho người sản xuất do đó rất khó khăn trong lưu động vốn. Khả năng tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp còn chưa cao. Đa số các doanh nghiệp đều sản xuất theo mẫu mã nước ngoài hoặc gia công lại cho tập đoàn nước ngoài nên bị ép giá. Mặt khác, việc tham gia các triển lãm và hội chợ trong và ngoài nước của các doanh nghiệp mây tre đan còn bị hạn chế bởi nguồn tài chính yếu.

Để khắc phục những khó khăn này, chúng ta cần điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, từ đó xác định phương án cụ thể giúp hỗ trợ các đơn vị sản xuất. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ nghệ nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đủ sức cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Chính quyền cấp tỉnh, huyện tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp liên kết, liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu (giao đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài, tham gia các chương trình/dự án trồng rừng sản xuất…). Bên cạnh đó nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mây tre đan tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, liên kết liên doanh tạo sức cạnh tranh.

Cùng với những chiến lược, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân những làng nghề, doanh nghiệp mây tre cũng cần chủ động hơn nữa trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm của mình.

Có thể xem sự kiện Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam (HRPC) ra mắt Mạng lưới mây Việt Nam (Vietnam Rattan Network), thành viên của Mạng lưới Mây toàn cầu (Global Rattan Network) mới đây tại Hà Nội là một động thái tích cực. Thành viên chính của Mạng lưới Mây Việt Nam gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp địa phương), Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam (HRPC), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương của 22 tỉnh thành có nguồn nguyên liệu mây, các nhà nhập khẩu lớn, nhà xuất khẩu hàng mây thủ công mỹ nghệ, các cơ sở chế biến nguyên liệu, các cơ sở thu gom nguyên liệu, các cơ sở cung ứng giống, các nhà cung ứng thiết bị, các đơn vị (viện) nghiên cứu, các chuyên gia về mây, các nhà tài trợ quốc tế… Mục tiêu chính của Mạng lưới nhằm hỗ trợ các tỉnh trong việc quy hoạch và quản lý nguồn tài nguyên mây, phát triển vùng nguyên liệu mây mới, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, các kỹ thuật chế biến tiên tiến và thân thiện với môi trường, các thông tin liên quan đến thị trường sản phẩm mây thủ công mỹ nghệ trên thế giới…